Kính gửi: Ông/Bà!
Vấn đề Ông/Bà phản ánh, Phòng Y tế xin thông báo kết quả như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 100, Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau bao gồm “Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội”, như vậy người lao động nhiễm COVID-19 điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế (Thông tư số 56/2017/TT-BYT).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay người lao động nhiễm COVID-19 khi điều trị tại nhà chỉ có các giấy tờ quyết định, xác nhận hoàn thành thời gian cách ly và theo các quy định hiện hành cũng chưa có văn bản chấp nhận các giấy tờ khác thay thế Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời gian chờ Bộ Y tế ban hành văn bản thay thế Thông tư số 56/2017/TT-BYT phù hợp với tình hình thực tế, Sở Y tế đã có Công văn số 554/SYT-NVY ngày 03/3/2022 về việc hướng dẫn tạm thời hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động là F0 như sau:
1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người nhiễm COVID-19:
a) Đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú tại các bệnh viện, Cơ sở thu dung điều trị COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền quyết định:
- Thực hiện cấp giấy ra viện đúng theo quy định tại Phụ lục số 3, Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
b) Đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị tại nhà:
- Trung tâm Y tế thành phố; Trạm Y tế xã, phường thực hiện chăm sóc, quản lý F0 tại nhà cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định tại Phụ lục 7, Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
- Trường hợp Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 cộng đồng hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà thì y, bác sỹ được phân công chăm sóc, điều trị ký xác nhận vào vị trí “người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” trong mẫu quy định tại Phụ lục 7, Thông tư số 56/2017/TT-BYT, đơn vị chủ quản là Trung tâm Y tế thành phố chịu trách nhiệm ký đóng dấu hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Trạm y tế xã, phường ký đóng dấu.
2. Các cơ sở được phân công chăm sóc, quản lý, điều trị người mắc COVID-19:
- Khẩn trương đăng ký mẫu dấu và chữ ký để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động theo quy định tại khoản c, Mục 5, Điều 26 Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
- Thực hiện cập nhật thông tin người bệnh được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của Cơ quan BHXH.
- Giám sát việc ghi nội dung trong Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của người hành nghề tại cơ sở của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc cấp các giấy tờ này.
- Thực hiện cấp lại, cấp bổ sung, cấp sửa đổi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động điều trị nội trú tại các Bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 hoặc cách ly, điều trị tại nhà đối với các trường hợp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH bị mất, bị hỏng, cấp sai mẫu, cấp không đúng thẩm quyền, có sai sót về thông tin… theo quy định tại Khoản a và Khoản
b, Mục 5, Điều 26 Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
- Một lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Chân thành cảm ơn phản ánh của Ông/Bà và mong muốn tiếp tục nhận được phản ánh trong thời gian tới.
Trân trọng./